Á sừng là trạng thái lớp sừng chuyển hóa dở dang, tế bào còn nhân và nguyên sinh, chưa chuyển hóa hết thành sừng. Nếu không giữ gìn vệ sinh, người bệnh dễ bị nhiễm khuẩn thứ phát gây sưng tấy, nổi hạch, phát sốt.
Hiện tượng á sừng ở tay |
Lớp sừng chuyển hóa dở dang gọi là lớp sừng non, sừng bở, sừng tạp, kém chất lượng. Á sừng có thể gặp trong nhiều bệnh ngoài da, và là bệnh điển hình ở lòng bàn tay, chân. Vùng bàn tay, chân bị á sừng thường khô ráp, róc da, nứt nẻ ở ria, gót chân và đầu các ngón.
Vào mùa hè, vùng da bệnh bị ngứa, nổi mụn nước như trong bệnh tổ đỉa, lâu ngày có thể làm các móng xù xì lỗ chỗ. Vào mùa đông, tình trạng nứt nẻ càng nặng, phần da bệnh dễ bị toác ra, rớm máu, nứt sâu ở gốc ngón gọi là đứt cổ gà, đi lại đau đớn.
Nguyên nhân gây á sừng đến nay vẫn chưa xác định, song nhiều nhà khoa học cho rằng đó là do yếu tố di truyền trong gia đình hoặc thói quen dinh dưỡng thiếu cân đối từ bé. Thực tế cho thấy đại đa số các em mắc bệnh đều là ăn ít rau quả. Thiếu vitamin nhất là A, C, D, E... sẽ ảnh hưởng đến chất lượng lớp sừng.
Vảy nến á sừng nặng thường gặp ở người lao động |
Phương pháp điều trị hiện nay là dùng các thuốc bôi bạt sừng, tạo sừng như axit salixilic, diprosalic, betnoval. Cần kết hợp với thuốc kháng sinh tác động ngay tại vùng da bệnh hoặc toàn thân nếu bị nhiễm khuẩn phụ, dùng các thuốc chống nấm nếu có nhiễm nấm như mỡ nizoral, dẫn xuất imidazol, griseofulvin. Trường hợp nặng có thể phải dùng corticoid, kháng histamin.
Phía người bệnh cần thực hiện một số điều như sau:
- Tránh bóc vẩy da, chọc nhể các mụn nước, chà sát kỳ cọ quá mạnh bằng đá kỳ, bàn chải..., làm xây xước lớp sừng tạo điều kiện cho nhiễm khuẩn, nấm trên lớp sừng vốn đã kém sức đề kháng.
- Không nên ngâm rửa tay chân nhiều. Chú ý giữ khô các kẽ. Lớp sừng vốn đã bở nên càng ẩm ướt sẽ càng dễ bị vi khuẩn nấm tấn công.
- Hạn chế dùng xà phòng có độ tẩy mỡ cao ở tay chân. Khi tiếp xúc với xà phòng, xăng dầu cần đeo găng bảo vệ.
- Mùa đông nên đi tất đi găng tay sớm hơn người khác để bảo vệ lớp sừng ở lòng bàn tay, chân khỏi tác hại của biến đổi thời tiết đột ngột dễ làm nứt nẻ.
- Tăng cường ăn rau quả tươi để có đủ vitamin cho cơ thể nói chung và lớp sừng nói riêng. Giá đỗ, cà chua, các loại đậu, rau ngót, rau bí, bắp cải, cam bưởi, đu đủ, cà rốt... là nguồn cung cấp vitamin vô cùng quý báu. Ngay từ bé, cần tập cho trẻ thói quen thích ăn rau quả thay vì bim bim, kẹo cao su...
- Nếu có kèm theo tăng tiết mồ hôi có thể uống lâu dài bài thuốc nam: lá dâu tằm 20g, đậu đen rang 10g. Đổ 3 bát nước đun kỹ lấy 1 bát uống trong ngày. Bài thuốc rất đơn giản nhưng khá hiệu nghiệm.
Theo GS Nguyễn Xuân Hiền
Sức Khoẻ & Đời Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét