Khí hậu khô hanh của mùa đông miền Bắc khiến da dễ bị bong tróc, nứt nẻ, làm trầm trọng thêm các bệnh viêm da cơ địa, á sừng, dị ứng kéo dài… Các chuyên gia da liễu khuyến cáo phải bổ sung độ ẩm cho da đầy đủ.
Miền Bắc đang trải qua đợt rét đậm. Vốn sợ lạnh, chị Hảo (Mai Dịch, Hà Nội) liên tục dùng nước nóng để sinh hoạt hàng ngày. Không trong khi nhiều người khác dùng nước đủ ấm vẫn không sao, làn da của chị gặp nước ấm là bong tróc, đặc biệt ở tay chân và đầu. Nhiều khi mặc áo khoác đen, da đầu bong tróc rơi rụng trắng cả sau áo.
Mấy ngày gần đây, nhiệt độ liên tục giảm, chị lười không tắm, chỉ lau rửa chân tay bằng nước nóng. Nhưng chân tay chị xuất hiện dấu hiệu nứt nẻ nặng và bị chảy máu. Đi khám, bác sĩ da liễu chẩn đoán chị bị viêm da cơ địa và á sừng.
á sừng ở chân |
Biết việc dùng nước nóng sẽ khiến da bị khô nẻ, Mai (Thanh Xuân, Hà Nội) cắn răng chịu đựng mỗi sáng sớm cũng như tối khuya rửa mặt bằng nước lạnh, đồng thời cố gắng tắm bằng nước mát dù nhiệt độ ngày rất thấp. Nhưng sau mấy ngày trời có nắng hanh, làn da của Mai tự nhiên nổi mụn, mẩn đỏ khắp mặt cũng như trên cơ thể. Các bác sĩ chẩn đoán cô bị viêm da dị ứng.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thành (nguyên trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu trung ương), mặc dù các bệnh về da ở Việt Nam có xu hướng giảm nhưng một số bệnh về da vào mùa rét vẫn còn nguyên. Đó là các bệnh á sừng, viêm da cơ địa, vảy nến…, một số bệnh da dị ứng như: nổi mề đay... Ngoài ra còn có bệnh cước lạnh, căn bệnh này dễ xảy ra với tất cả mọi người.
Biên độ nhiệt giữa ngày và đêm mùa đông chênh nhau quá lớn là nguyên nhân chính phát tác các bệnh điển hình này. Ngoài ra, những bệnh nhân có tiền sử gia đình bị viêm da cơ địa, yếu tố môi trường, đặc biệt là các chất tẩy rửa, hóa chất làm mất lớp bảo vệ trên da (NAOH, các chất axit khác)... cũng là những nguyên nhân khiến da mắc các bệnh điển hình mùa lạnh.
Biểu hiện của các bệnh này là da khô, thiếu nước dẫn đến nứt nẻ, chảy máu và đau đớn kéo dài, có thể bị nhiễm trùng, sung tấy. Bệnh cước lạnh thì nhẹ nhàng hơn nhưng không phải vì thế mà mọi người chủ quan. Bác sĩ Thành cho biết, bệnh này dễ xuất hiện vào những ngày nhiệt độ dưới 10 độ C, ở vùng núi có nền nhiệt độ thấp hơn đồng bằng. Biểu hiện của bệnh là vùng da hở ở tay, chân bị phù nề, sưng tấy. Bệnh kéo dài có thể biến chứng viêm loét.
á sừng toàn thân |
Đồng quan điểm này, bác sĩ Nguyễn Xuân Quang (Trưởng khoa thẩm mỹ da liễu tại một bệnh viện tư nhân ở Hà Nội) cho rằng thời tiết là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu tác động lên da. “Ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, gió tác động lên da khiến da bị đứt liên kết keratine. Từ đó, da bị bong vẩy sừng, hiện tượng khô da xuất hiện”, bác sĩ Quang nói.
Để phòng bệnh, bác sĩ Nguyễn Thành khuyên mọi người phải luôn luôn giữ ẩm cho da, không chỉ người bị bệnh mà cả người không bị bệnh. Bạn không được tiếp xúc với chất chất tẩy rửa, dầu gội… bằng tay chân mà nên sử dụng bao tay, đi bốt. Kem giữ ẩm không nên dùng kéo dài, phải thay đổi thường xuyên và cũng phải phù hợp với cơ thể thì mới dùng.
Ngoài ra, việc giữ ấm tay chân rất quan trọng. “Muốn ngăn chặn bị cước tay chân thì trước hết cần giữ ấm cho mặt, nhất là mũi, tai. Vì đây là nơi gặp lạnh sẽ bị co thắt mạch, sau đó lan ra khiến tay chân tím tái”, bác sĩ Thành cảnh báo.
Còn theo bác sĩ Quang, mọi người cần bổ sung nước bằng việc uống nước và axit béo thiết yếu. Axit béo thiết yếu là thành phần cấu tạo nên màng tế bào, giúp cho tế bào luôn khỏe mạnh và duy trì tốc độ tái sản sinh tế bào mới. Kem giữ ẩm phải sử dụng thành phần có bổ sung chất ẩm tự nhiên và kích thích sản sinh collagen – cơ quan giữ nước trong da.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến cáo chế độ dinh dưỡng hàng ngày với việc bổ sung hàm lượng lớn vitamin làm mềm da, duy trì độ ẩm cho da là vô cùng quan trọng. Thành phần làm mềm da (như bơ từ cây hạt mỡ, silicon hữu cơ) giúp duy trì sự mềm mại, mịn màng, đàn hồi và hoạt động như là chất bôi trơn, giúp hạn chế bong tróc và mất độ ẩm đồng thời cải thiện vẻ bên ngoài.
Mỗi người cần bảo vệ da khỏi ánh nắng, thoa kem chống nắng ngay cả khi bạn không nhìn thấy nắng. Bên cạnh đó là chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, tránh thức khuya, mất ngủ, giờ giấc thất thường. Bạn cũng cần duy trì đời sống tinh thần tươi vui, ít căng thẳng. Việc không sử dụng mỹ phẩm bừa bãi, lựa chọn các sản phẩm tin tưởng (có thể tham vấn chuyên viên về chăm sóc da) là rất quan trọng. Khi làn da có vấn đề thì phải đến khám ngay ở các bác sĩ chuyên khoa da liễu để tìm ra phương pháp điều trị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét